Bài viết được ShopVNB – Hệ thống cửa hàng chuyên về cầu lông hàng đầu tại Việt Nam, với hơn 57 chi nhánh trên toàn quốc đảm bảo và chia sẻ.
Trong một trận đấu cầu lông, việc thực hiện phát cầu ổn định và chính xác là một lợi thế lớn giúp chúng ta tiến tới chiến thắng. Do đó, kỹ thuật phát cầu là không thể thiếu và là tiền đề trong việc học cầu lông. Trong bài viết này, chúng ta cùng tìm hiểu về các kỹ thuật phát cầu cơ bản nhất trong cầu lông.
Tùy thuộc vào việc vợt tiếp xúc với cầu bằng phần mặt phải hay phần mặt trái, ta có thể chia thành 2 kỹ thuật phát cầu, đó là kỹ thuật phát cầu thuận tay và kỹ thuật phát cầu trái tay. Với 2 kỹ thuật phát cầu này, người chơi có thể tạo ra những đường cầu và điểm rơi khác nhau vào vùng phát cầu của đối phương, tùy thuộc vào ý đồ chiến thuật của mình. Có 3 đường cầu cơ bản khi thực hiện kỹ thuật phát cầu:
a) Đường cầu thấp gần: Khi người chơi thực hiện cú đánh cầu bay sát mép trên của lưới khoảng 5-10cm và rơi vào trong vùng phát cầu của đối phương, cách đường giới hạn phát cầu gần trong khoảng 20cm trở lại.
b) Đường cầu lao sâu: Khi người chơi thực hiện cú đánh cầu bay lên cao từ 4-5m và rơi xuống theo hướng chếch với mặt sân. Điểm rơi của cầu trong vùng phát cầu của đối phương, cách đường giới hạn phát cầu xa 20cm trở lại.
c) Đường cầu cao sâu: Khi người chơi thực hiện cú đánh cầu bay lên rất cao để quả cầu rơi tự do xuống theo hướng vuông góc với mặt sân. Điểm rơi của cầu trong vùng phát cầu của đối phương, cách đường giới hạn phát cầu xa trong khoảng 20cm trở lại.
1. Kỹ thuật phát cầu thuận tay
Xem thêm : Kỹ thuật di chuyển trong cầu lông cực kì đơn giản
Kỹ thuật phát cầu thuận tay thường được sử dụng trong các trận đấu đơn. Tùy thuộc vào tình hình của trận đấu, người chơi có thể thực hiện những đường cầu khác nhau như thấp gần, lao sâu hoặc cao sâu để áp dụng vào từng tình huống cụ thể.
– Vị trí đứng: Khi chuẩn bị phát cầu, người chơi thường đứng sát đường trung tâm và sau đường giới hạn phát cầu gần khoảng 1m trong vùng phát cầu của mình, để sau khi phát xong người chơi có thể nhanh chóng quản lý khu vực sân của mình, sẵn sàng cho những động tác đánh cầu tiếp theo.
– Chuẩn bị: (đối với người chơi cầm vợt bằng tay phải) Khi đứng chuẩn bị phát cầu, chân trái đứng phía trước, mũi chân hướng ra trước, chân phải đứng phía sau và cách chân trái khoảng 1 bước chân. Mắt quan sát sang sân đối phương. Tay trái cầm vào thân cầu đưa ra trước, cao ngang ngực hoặc hơn, và chếch sang bên phải. Tay phải cầm vợt theo cách cầm vợt thuận tay, đưa vợt sang phải sau ngang thắt lưng, cánh tay duỗi thẳng và cổ tay mở để đầu vợt ở phía sau cán vợt.
– Đánh cầu: Khi phát cầu, tay cầm cầu tung cầu ra trước và chếch sang phía bên phải, cách thân người 60-80cm. Đồng thời, tay phải lăng vợt từ sau ra trước, từ dưới lên trên để tiếp xúc cầu. Điểm tiếp xúc cầu ở cao ngang thắt lưng (dưới 1,15m tính từ mặt sân) và chếch trước bên phải thân người khoảng 60-80cm. Trong quá trình lăng vợt, trọng tâm chuyển từ chân sau lên chân trước. Khi tiếp xúc với cầu, người chơi sử dụng động tác của cánh tay, cẳng tay, đặc biệt là cổ tay để điều khiển góc độ mặt vợt và lực tác động phù hợp để đưa cầu đi theo ý muốn.
– Kết thúc: Khi kết thúc giai đoạn này, trọng tâm ở chân trước, chân sau có thể kiễng gót, thân người vươn lên cao và xoay thẳng về hướng phát cầu, vợt ở trên vai trái, mắt quan sát đường cầu vừa thực hiện. Sau đó, nhanh chóng trở về vị trí và tư thế chuẩn bị cơ bản để sẵn sàng cho những động tác đánh cầu tiếp theo.
2. Kỹ thuật phát cầu trái tay
Hiện nay, kỹ thuật phát cầu trái tay được sử dụng phổ biến cả trong đánh đôi và đánh đơn để phù hợp với trình độ và kỹ thuật hiện đại nhằm hạn chế sự tấn công từ phía đối thủ, cũng như tạo điều kiện cho các đường cầu tấn công tiếp theo. Thông thường, người chơi sẽ áp dụng kỹ thuật phát cầu trái tay với đường cầu thấp gần, tuy nhiên đôi khi cũng thực hiện đường cầu lao sâu để tạo bất ngờ cho đối phương khi đối phương định đón những đường phát cầu thấp gần.
– Vị trí đứng: Trong đánh đôi, người chơi thường đứng ở vị trí sát đường trung tâm và đường giới hạn phát cầu gần trong vùng phát cầu để thực hiện. Trong đánh đôi nam-nữ, khi người chơi nam phát cầu, thường đứng ở vị trí phía sau người nữ, gần khu vực trung tâm của sân để thực hiện phát cầu. Trong đánh đơn, nếu áp dụng kỹ thuật phát cầu trái tay, ta cũng đứng ở vị trí gần khu vực trung tâm của sân để thực hiện phát cầu, để có thể nhanh chóng quản lý khu vực sân của mình, sẵn sàng cho những động tác đánh cầu tiếp theo.
– Chuẩn bị: (đối với người chơi cầm vợt bằng tay phải) Khi đứng chuẩn bị phát cầu, chân phải đứng phía trước, mũi chân hướng sang phía sân đối phương, chân trái đứng phía sau và cách chân trước khoảng một bàn chân. Người đứng thẳng xoay về hướng phát cầu. Tay trái cầm cầu ở phần đầu cánh cầu ở phía trước thân người và ngang thắt lưng, cánh tay duỗi thẳng. Mắt quan sát đối phương. Tay phải cầm vợt theo cách cầm vợt trái tay, đặt mặt trái của vợt phía sau cầu, khuỷu tay gập 1 góc khoảng 90 độ và nâng cao để đầu vợt hướng xuống phía dưới.
– Phát cầu: Đồng thời với tay trái thả cầu, tay phải đưa vợt từ sau trước tiếp xúc với cầu. Điểm tiếp xúc cầu ở phía trước thân người và ngang thắt lưng. Khi tiếp xúc với cầu, cần sử dụng động tác của cẳng tay và cổ tay để điều khiển góc độ vợt tiếp xúc cầu và lực tác động phù hợp để đưa cầu đi đúng hướng theo ý muốn.
– Kết thúc: Sau khi tiếp xúc cầu, người chơi nhanh chóng trở về vị trí và tư thế chuẩn bị cơ bản để sẵn sàng cho những động tác đánh cầu tiếp theo.
Đó là bài viết giới thiệu về các kỹ thuật phát cầu cơ bản trong cầu lông, có thể áp dụng cả trong đánh đơn và đánh đôi. Hy vọng rằng qua bài viết này, các bạn đã thu thập thêm nhiều kinh nghiệm, kiến thức mới và mở rộng kỹ năng phát cầu của mình để tạo thêm cơ hội thành công trong các trận đấu và nâng cao trình độ của bản thân. Chúc các bạn thành công.
Nguồn: https://regiepresse.com
Danh mục: Tin Thể Thao